Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Chương 5: Dạy tích cực thông qua thảo luận



Chương 5: Dạy tích cực thông qua thảo luận
Lược dịch từ Chương 5 "Facilitating Discussion"
của Quyển sách "McKeachie's Teaching TIPS 14th"
của Marilla D. Svinicki, Wilbert J. McKeachie
bởi Võ Thị Hà, Giảng viên Đại học Y Dược Huế



Giới thiệu

Dạy học tích cực (active learning) nhằm kết nối những kiến thức mới với những kiến thức đã có của người học, tổ chức, kết hợp chúng với nhau để người học tự xây dựng nên kiến thức cho chính mình.
Và một phương pháp để thúc đẩy dạy tích cực quan trọng là dạy thông qua thảo luận. Dạy thông qua thảo luận có thể xem là phương pháp dạy phức tạp và nhiều thách thức nhất trong các phương pháp dạy.
Thường giáo viên nghĩ rằng, dạy thông qua thảo luận không thể tiến hành ở lớp đông sinh viên, nhưng thực tế, những kỹ thuật dạy thông qua thảo luận có thể áp dụng ở các lớp với số lượng sinh viên khác nhau. Tất nhiên, dạy thông qua thảo luận sẽ hiệu quả hơn ở lớp ít sinh viên, nhưng nó cũng nên được áp dụng nhiều hơn ở lớp đông sinh viên để tránh cách dạy thụ động.

Mục  đích dạy thông qua thảo luận

- Nhằm giúp sinh viên suy nghĩ sâu về một vấn đề bằng cách bắt họ thực hành suy nghĩ
- Giúp sinh viên học cách đánh giá sự logic cũng như bằng chứng của những quan điểm của chính họ và người khác.
- Phát triển động lực cho việc tìm hiểu, học sau đó.
- Giúp sinh viên tổng hợp, liên hệ với những gì họ đã được học
- Nhận được phản hồi ngay lập tức về những gì họ hiểu đúng hay hiểu sai
- Tương tác xã hội trong quá trình học thông qua thảo luận sẽ ảnh hưởng đến cách học và hành vi của sinh viên sau này

Những công việc khi dạy thông qua thảo luận

- Giúp sinh viên chuẩn bị cho buổi thảo luận
- Bắt đầu và duy trì buổi  thảo luận
- Tạo điều kiện thuận lợi cho buổi thảo luận diễn ra
- Giúp sinh viên học và thực hành cách diễn đạt
- Lắng nghe sinh viên một cách hỗ trợ để tạo môi trường an toàn trong buổi học, để sinh viên tự do diễn đạt ý kiến.

Giúp sinh viên chuẩn bị cho buổi thảo luận

Thật khó để bắt đầu buổi học thông qua thảo luận nếu sinh viên không chuẩn bị trước. Nhưng câu hỏi nghiêm túc cần đặt ra là sinh viên cần chuẩn bị những gì ? Nếu buổi học của bạn chỉ là buổi học đầu tiên thì sinh viên có thể có rất ít kinh nghiệm và kiến thức để có thể thảo luận. Những gợi ý trong chương về "Học tích cực thông qua đọc tích cực" (Chương 4) có thể hữu ích.
Kỹ thuật khác là khuyến khích sinh viên chuẩn bị cho buổi thảo luận bằng cách bắt đầu buổi học bằng các câu đố ngắn. Một số giảng viên không thông báo trước nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, tại sao không thông báo trước cho sinh viên để loại bỏ đi sự lo lắng không cần thiết cho sinh viên.
Kỹ thuật khác gọi là "Đơn-Đôi-Nhóm". Tức quá trình thảo luận xảy ra theo 3 bước: đầu tiên cho mỗi sinh viên tự suy nghĩ câu trả lời cho một chủ đề/câu hỏi được nêu ra thảo luận: sau đó sinh viên sẽ thảo luận theo đôi về sự khác nhau và giống nhau giữa hai người, sau đó kết thúc bằng thảo luận trong toàn nhóm về những điểm thực sự cần thảo luận sâu hơn. (Team-Based Learning - Michaelsen, Sweet and Palmelee, 2008).
Kỹ thuật khác là giao bài tập về thỏa luận vào cuối buổi học trước, và sinh viên phải hoàn thành trước khi tham gia vào buổi học sau. Bài tập về nhà có thể nhiều hình thức khác nhau từ giải thích bằng ngôn ngữ của chính sinh viên về một phần tài liệu được giao đọc đến áp dụng nội dung đọc được vào một tình huống nào đó. Trên lớp, sinh viên sẽ giành nhiều thời gian hơn để thảo luận theo nhóm nhỏ để so sánh bài tập về nhà đã làm, và sau đó báo cáo kết quả đó trước cả lớp.
Hoặc giảng viên có thể tham gia vào cuộc thảo luận online trước khi buổi học thảo luận trực tiếp trên lớp. Ví dụ, sinh viên sẽ đặt các câu hỏi cần thảo luận online và tham giả trả lời, thảo luận online. Sau đó, giảng viên sẽ chọn ra các câu hỏi quan trọng để thảo luận trên lớp.

Hướng dẫn một buổi thảo luận: bắt đầu

Bắt đầu buổi thảo luận bằng một kinh nghiệm chung

Một trong những cách tốt nhất là bắt đầu buổi thảo luận bằng cách liên hệ với một kinh nghiệm chung, cụ thể thông qua một đoạn phim, một đoạn đóng kịch, một tình huống, hay một đoạn đọc ngắn, hoặc một kinh nghiệm mà giáo viên cung cấp. Phương pháp này có một số lợi ích là mọi người đều được xem hay phân tích một tình huống mà không buộc sinh viên phải trình bày ngay suy nghĩ của mình.

Bắt đầu buổi thảo luận bằng một chủ đề gây tranh cải

Cách thứ hai là khơi mào thảo luận bằng một ý kiến hay chủ đề gây tranh cải bởi vì sự bất ngờ, sự không chắc chắn của các chủ đề gây tranh cải kích thích trí tò mò của sinh viên và thúc đẩy sinh viên học tích cực. Giảng viên có thể chọn vai "phản diện" (bảo vệ ý kiến ít được ủng hộ hơn); hoặc đóng vai trung gian, để phân tích sự khác nhau của các quan điểm, cách nhìn của sinh viên. Khi giảng viên chọn vai "phản diện", điều này có thể giúp sinh viên suy nghĩ tích cực, độc lập và không còn xem mọi lời giảng viên nói đều đúng. Tuy nhiên, tốt nhất giảng viên nên nói rõ cho sinh viên biết là mình chỉ đang đóng vai phản diện mà thôi bằng cách giới thiệu "Giả sử ý kiến của tôi là ....", "Để tôi thử đóng vai phản diện cho buổi thảo luận này nhé".
Trong mọi trường hợp, giảng viên nên nhận thức rằng việc bất đồng ý kiến không phải là một tín hiệu thất bại của buổi thảo luận mà có thể được dùng một cách có tính xây dựng để hỗ trợ cho việc học. Nếu cuộc thảo luận có sự bất đồng quá gay gắt cản trở cho việc giải quyết vấn đề mang tính xây dựng; giảng viên có thể đề nghị những sinh viên không đồng tình đổi vai cho nhau và bảo vệ ý kiến của đối phương. Kỹ thuật này dường như hiệu quả để sinh viên ý thức được những điểm mạnh của đối phương.

Bắt đầu buổi thảo luận bằng các câu hỏi

Cách phổ biến nhất để bắt đầu thảo luận là bằng các câu hỏi và lỗi phổ biến nhất của giảng viên là không cho sinh viên đủ thời gian để suy nghĩ để trả lời. Bạn không nên mong đợi là sinh viên có thể trả lời ngay lập tức cho mọi câu hỏi. Nếu câu hỏi của bạn đòi hỏi sinh viên suy nghĩ thì nên cho sinh viên đủ thời gian suy nghĩ. Giảng viên có thể khuyến khích sinh viên suy nghĩ trong im lặng bằng cách nói "Tôi muốn các anh chị suy nghĩ về câu hỏi và không ai được phép nói bất cứ điều gì trong vòng 2 phút tới ". Hoặc giảng viên có thể yêu cầu sinh viên viết ra giấy các ý chính để giúp trả lời. Điều này giúp các sinh viên nhút nhát hay chậm hơn tự tin hơn khi tham gia thảo luận bởi vì họ sẽ biết mình sẽ nói điều gì khi thảo luận bắt đầu. Bạn có thể thậm chí gọi một sinh viên bằng cách nói "Tôi thấy bạn X. đã viết rất chăm chú. Ý kiến của bạn là gì ?".

Các loại câu hỏi có thể áp dụng:
Câu hỏi về sự kiện
Có lúc cần kiểm tra kiến thức nền của sinh viên bằng loạt các câu hỏi về sự kiện nhưng thường bạn sử dụng các loại câu hỏi khác để kích thích sinh viên suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Bạn có thể bắt đầu bằng câu nói "Nào, để bảo đảm tất cả chúng ta đều đồng ý một số định nghĩa và sự kiện quan trọng trước khi bắt đầu thảo luận" và sau đó mời sinh viên giới thiệu các sự kiện. Một lỗi thông thường khi đặt các câu hỏi loạn này là giảng viên thường nhằm gửi đi thông điệp "Tôi biết một số thứ mà bạn không biết, và bạn sẽ trông thật ngốc ngách nếu bạn không đoán trúng".
Câu hỏi nhằm áp dụng và diễn giải
Thay vì chỉ hỏi về các sự kiện, dữ liệu có sẵn, giảng viên kích thích thảo luận bằng các câu hỏi đòi hỏi sự liên hệ, áp dụng và phân tích các sự kiện và dữ liệu sẵn có. Câu hỏi loại này như "Làm thế nào để áp dụng ý tưởng rằng ..... vào.....?" sẽ kích thích thảo luận hơn là câu hỏi " Định nghĩa ....là gì ?". Sau khi đặt câu hỏi, giảng viên cần im lặng để lắng nghe sinh viên.
Câu hỏi kết nối và câu hỏi nguyên nhân-kết quả
Câu hỏi này nhằm liên hệ, kết nối các dữ kiện hay nội dung tưởng chừng như không liên quan đến nhau. Ví dụ, liên hệ giữa các lĩnh vực khác nhau âm nhạc, văn học, lịch sử; hoặc có thể hỏi "Những nguyên nhân có thể của hiện tượng này là gì ?".
Câu hỏi so sánh
Yêu cầu sinh viên so sánh sự giống và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng.
Câu hỏi đánh giá
Câu hỏi này không chỉ đòi hỏi sinh viên so sánh mà còn đánh giá về giá trị tương đối giữa các lựa chọn, ví dụ, " Lý thuyết nào trong hai lý thuyết trên là diễn tả đúng hơn cho hiện tượng này ?".
Câu hỏi nhằm phê bình
Ví dụ " Tác giả đã trình bày....Dưới những điều kiện, trường hợp nào thì điều này không còn đúng ?".

Bắt đầu buổi thảo luận bằng một tình huống hay một vấn đề

Đó có thể là một tình huống/vấn đề mà giảng viên đã biết trước giải pháp hoặc không. Dù giảng viên đã có sẵn giải pháp, giảng viên cũng nên để sinh viên tự đi tìm một giải pháp mới bởi chính họ. Công việc của giảng viên không phải là cung cấp cho sinh viên một giải pháp có sẵn, mà thay vào đó là lắng nghe sinh viên và hướng dẫn họ làm thế nào tự giải quyết vấn đề bởi chính sinh viên. Hỏi sinh viên về những gì mà sinh viên nghĩ.
Chia nhỏ vấn đề thành các vấn đề nhỏ
Để giải quyết một vấn đề có thể tiến hành theo các vấn đề nhỏ
- Làm rõ vấn đề là gì ?
- Những thông tin gì liên quan  đến vấn đề cần phải biết ?
- Tiêu chuẩn để chấp nhận một giải pháp là gì ?
- Những giải pháp chấp nhận được để giải quyết vấn đề là gì ? Đặc điểm của các giải pháp ?
- Giải pháp được lựa chọn để giải quyết vấn đề là gì sau khi đã so sánh bước 3 với bước 4.

Hướng dẫn một buổi thảo luận: duy trì thảo luận

Một kĩ năng quan trọng là khả năng duy trì thảo luận tiến triển và ý thức về các rào cản làm ảnh hưởng đến việc thảo luận như sự không tập trung, căng thẳng hay các câu hỏi không định hướng.
Giảng viên cần lắng nghe tích cực và ghi nhận bình luận, ý tưởng của sinh viên. Giảng viên cũng cần thông báo từ đầu buổi thảo luận về những quy tắc chung khi thảo luận.

Hướng dẫn một buổi thảo luận: những vấn đề phổ biến

Sinh viên không sẵn sàng tham gia

Một cản trở chính sinh viên tham gia thảo luận là sinh viên cảm thấy mình đang không học. Do đó, việc tóm tắt ngắn trong buổi học là cần thiết. Việc tóm tắt không nên là đưa ra kết luận cuối cùng mà nên chỉ tóm tắt những bước đã làm được, những vấn đề đã giải quyết và những vấn đề gì cần tiếp tục thảo luận.
Một cản trở khác là giảng viên có xu hướng cung cấp câu trả lời trước khi sinh viên hiểu, suy nghĩ độc lập và thảo luận. Giảng viên có thể tiết kiệm thời gian khi làm điều này nhưng sinh viên sẽ mất cơ hội được thảo luận.
Nếu bạn đặt câu hỏi và không ai trả lời, hoặc sinh viên chỉ trả lời đơn giản là "Em không biết". Thường sinh viên có thể trả lời nếu giảng viên đặt lại câu hỏi. Ví dụ như giảng viên diễn đạt lại theo một cách khác, cung cấp thêm ví dụ, cung cấp các gợi ý, các đáp án lựa chọn, các thông tin để ủng hộ hay bác bỏ các lựa chọn đó. Thường, giảng viên có thể giúp sinh viên nhận ra họ giỏi hơn những gì họ nghĩ bằng cách dẫn dắt sinh viện tự trả lời.
Khi ý kiến của giảng viên trái với ý kiến của sinh viên, giảng viên cần lưu ý không quá phê phán. Mục đích của giảng viên là khơi mào thảo luận chứ không phải kiểm soát hay cào bằng các quan điểm, triệt tiêu các quan điểm. Trên hết, không chỉ trích cá nhân sinh viên.

Khuyến khích sinh viên thụ động tham gia vào thảo luận

Trong hầu hết các lớp, một số sinh viên nói quá nhiều còn số khác thì không nói câu nào, giảng viên cần phải làm gì ?
Thường, hầu hết các sinh viên khá thụ động trong lớp. Điều này có thể do nguyên nhân văn hóa. Vì vậy bắt đầu buổi học cần giới thiệu cho sinh viên rằng giảng viên mong đợi mọi ý kiến đóng góp, thỏa luận, mỗi người tham gia đều có những giá trị riêng biệt và có đóng góp quan trọng vào sự thành công chung của thảo luận.
Điều gì khiến sinh viên không phát biểu ý kiến ? Một số lý do như chán, thiếu kiến thức, thói quen thụ động, văn hóa, e sợ vì bối rối.
Điều gì làm giảm nổi sợ của sinh viên ? Làm cho sinh viên làm quen với nhau và với giảng viên. Ví dụ, cho sinh viên thảo luận theo cặp hoặc nhóm nhỏ để làm quen nhau trước khi thảo luận trước nhóm lớn. Yêu cầu sinh viên viết ra giấy ý chính câu trả lời trước khi thảo luận. Khuyến khích sinh viên bằng nụ cười, ánh mắt. Gọi sinh viên bằng tên riêng. Cho sinh viên ngồi thành vòng tròn.
Biết thông tin cá nhân về sinh viên có thể hữu ích. Ví dụ, có thể yêu cầu sinh viên viết hay giới thiệu ngắn về bản thân. Đó cũng là cách để hiểu điểm mạnh, yếu của từng sinh viên và khuyến khích họ đóng góp vào thảo luận bằng những điểm riêng biệt của họ.
Sinh viên còn sợ bị sai, đặc biệt trước mặt giảng viên và nhiều người. Do đó nếu đặt câu hỏi mà chỉ có một đáp án đúng thường sinh viên sẽ ít khi mạo hiểm trả lời. Nhưng nếu giảng viên đặt câu hỏi chung và có nhiều đáp án, và không có đáp án sai thì sẽ khuyến khích sinh viên bắt đầu tham gia thảo luận. Ví dụ, "Các bạn cảm thấy thế nào về điều này ?" hoặc "Điều này có ý nghĩa gì với các bạn ?".
Một kỹ thuật khác là để sinh viên tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời trước khi thảo luận.
Điều quan trọng cần nhớ là việc học ngoài lớp học thường quan trọng hơn việc học trong lớp. Do đó, email, công nghệ thông tin giúp tương tác có thể hỗ trợ cho việc học, thảo luận trên lớp.

Làm thế nào với sinh viên độc diễn

Nếu trong lớp có một hay hai sinh viên nói quá nhiều và gây khó chịu cho các sinh viên khác, giảng viên có thể áp dụng một trong các cách sau: (1) đặt câu hỏi thảo luận cho cả lớp "Liệu buổi thảo luận sẽ hiệu quả hơn nếu nhiều người tham gia thảo luận hơn ?", (2) yêu cầu sinh viên "năng nổ" đóng vai trò quan sát buổi thảo luận và báo cáo lại lớp nhận xét về buổi thảo luận, (3) ghi âm buổi thảo luận và cho sinh viên nghe lại để bình luận xem điều gì cần cải thiện để buổi thảo luận sắp tới hiệu quả hơn, (4) chia thành các nhóm nhỏ và yêu cầu một người bất kì phải báo cáo tổng kết sau khi thảo luận, (5) cách cuối cùng là nói chuyện riêng với sinh viên đó ngoài giờ học một cách kín đáo.

Cần làm gì nếu sinh viên không đọc tài liệu

Xem lại Chương 4.

Đối phó với các xung đột và các tranh luận

Trong bất kì buổi thảo luận nào, việc xuất hiện các xung đột, tranh luận là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu xung đột không được làm rõ, và góp phần vào việc học nói chung, nó có thể dẫn đến những xung đột cá nhân sau buổi học.
Do đó, giảng viên cần đề ra các nguyên tắc chung về thảo luận vào đầu buổi học. Và khi sự căng thẳng của buổi thảo luận tăng nhiệt, là thời điểm cần nhắc sinh viên về các nguyên tắc chung đó. Ngoài ra, có thể áp dụng:
- Cho sinh viên liệt kê các ý kiến chống và ủng hộ cho từng lựa chọn lên bảng (Phương pháp hai cột).
- Trích dẫn nguồn thông tin tham khảo tin cậy
- Trong mọi trường hợp, cần hiểu rằng xung đột có thể giúp cho việc học nên nhiệm vụ của giảng viên không nhất thiết là tìm cách san bằng những bất đồng.
Phương pháp hai cột, đề xuất bởi Norman Maier có thể hữu ích trong trường hợp tranh luận. Những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy khi con người nghe những luận điểm chống lại ý kiến của mình, họ thường nổ lực phản bác hơn là lắng nghe và hiểu chúng. Sự bất đồng ý kiến thường đẩy cuộc tranh luận đến hai thái cực đối nghịch nhau trong đó, mỗi ý kiến đều được phân loại thành hai cực đúng/sai, đen/trắng, tốt/xấu. Sự thật thường phức tạp hơn thế nhiều và nó không nằm ở thái cực nào cả. Phương pháp hai cột có nghĩa là liệt kê những sự kiện, bằng chứng, ý kiến chống và ủng hộ của từng lựa chọn. Ví dụ, "Cột ủng hộ A" và "Cột ủng hộ B" hay "Cột ủng hộ A" và "Cột phản đối A". Giảng viên yêu cầu sinh viên nêu ý kiến của mình, rồi giảng viên tóm tắt lại lên bảng. Khi tất cả các ý kiến đã được thu thập, bước tiếp theo là tổng kết, đánh giá. Đến lúc này, thường sinh viên sẽ nhận ra những điểm đồng ý và không đồng ý của nhau cũng như hiểu rằng thường không có câu trả lời đúng hay sai cho một vấn đề, mà thường câu trả lời chỉ mang giá trị tương đối.

Hướng dẫn thảo luận: dạy sinh viên học thông qua thảo luận

Đầu tiên, sinh viên cần hiểu tầm quan trọng của thảo luận để học. Việc diễn đạt sự hiểu biết và ý tưởng của chính mình và tham gia thảo luận cùng các sinh viên khác và giảng viên tạo nên sự khác biệt lớn trong việc học, lưu giữ và sử dụng kiến thức. Cần làm rõ mục đích của việc thảo luận nhóm.
Thứ hai, sinh viên cần sẵn sàng trình bày về quan điểm của mình một cách cởi mở và lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người khác. Giảng viên có thể khuyến khích kĩ năng lắng nghe của sinh viên bằng cách yêu cầu một thành viên khác trong nhóm lặp lại hay diễn đạt lại những gì người khác đã trình bày trước khi phản hồi và lặp lại những điểm quan trọng mà sinh viên thu được từ thảo luận.
Kỹ năng thứ 3 là lên kế hoạch. Thỉnh thoảng, thảo luận chỉ xảy ra vào cuối buổi học khi thời gian đã hết, sinh viên có thể tiếp tục thảo luận sau khi hết giờ, tuy nhiên, giảng viên cần xác định những gì sinh viên cần làm tiếp theo trước khi tan rã nhóm.
Kĩ năng thứ 4 là tạo một môi trường thảo luận mang tính hợp tác thay vì môi trường thảo luận mang tính cạnh tranh.
Kĩ năng thứ 5 là kĩ năng đánh giá. Nếu lớp học muốn tìm hiểu làm sao thảo luận hiệu quả, giảng viên và sinh viên cần thường quy đánh giá mặt nào của thảo luận cần phát huy, những rào cản, khó khăn nào phát sinh làm cản trở việc thảo luận. Một số lớp giành 5 phút cuối để thảo luận về hiệu quả của buổi thảo luận.
Kỹ năng thứ 6 là nhận biết các các cảm xúc của người khác trong nhóm như mệt mỏi, phụ thuộc, từ chối tham gia. Có khi việc nhận biết các cảm xúc này còn quan trọng hơn cả nội dung mà sinh viên trình bày để buổi thảo luận tiến triển tốt.
Kỹ năng thứ 7 là ghi chép trong khi thảo luận. Có thể sử dụng phương pháp ghi chép 2 cột như ở trên hay ghi theo mô hình bản đồ tư duy với các ý chính liên kết với nhau. Việc ghi chép liệt kê chi tiết thường không là giải pháp tốt nhất.

Hướng dẫn thảo luận: kết thúc

Một vấn đề khi thảo luận là sinh viên có cảm giác mình học được ít hơn so với khi chỉ nghe giảng do sinh viên so sánh khối lượng thông tin ghi chép được qua hai phương pháp. Để thuyết phục sinh viên rằng sinh viên đã tiến bộ trong quá trình thảo luận, giảng viên có thể tổng kết sự tiến triển của buổi thảo luận và yêu cầu sinh viên cùng tổng hợp những gì chúng đã học được. Ví dụ yêu cầu sinh viên viết ra các ý chính của buổi thảo luận, những điểm mạnh, điểm yếu, những kết luận. Nếu thời gian cho phép, giảng viên có thể lên kế hoạch cùng sinh viên cho buổi thảo luận tiếp theo.

Thảo luận được dẫn dắt bởi chính sinh viên

Trong các thực nghiệm về tâm lý giáo dục và tâm lý nói chung, người ta nhận thấy rằng những sinh viên được dạy bởi các các nhóm thỏa luận nhỏ, được dẫn dắt bởi chính sinh viên mà không có giáo viên không chỉ làm tăng kết quả kiểm tra cuối cùng so với nhóm sinh viên chỉ nghe giảng, mà phương pháp này còn kích thích sự tò mò của sinh viên (sinh viên đặt câu hỏi nhiều hơn) và hứng thú học hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu thảo luận được dẫn dắt bởi chính sinh viên thì số lượng sinh viên tham gia thảo luận tăng gấp đôi so với thảo luận do giảng viên dẫn dắt. Một nghiên cứu khác cho thấy sinh viên cảm thấy dễ chịu hơn khi bất đồng quan điểm trong nhóm thảo luận do chính họ dẫn dắt hơn là do giảng viên dẫn dắt.
Việc bất đồng quan điểm dễ thúc đẩy người học phải tự suy nghĩ, việc tự suy nghĩ làm cho việc học tốt hơn. Do đó, việc tạo môi trường cho sinh viên bộc lộ, bày tỏ những quan điểm khác nhau, trái chiều làm cho việc học thông qua thảo luận hiệu quả hơn. Điều này được gọi là hiện tượng "xung khắc có tính xây dựng" (constructive controversy). Johnson và Johnson đã đề nghị một mô hình thảo luận rất thú vị, trong mô hình này, cả lớp được chia thành các nhóm gồm 4 người. Sau đó nhóm 4 người này được chia làm 2 cặp để thảo luận. Đầu tiên, một cặp sẽ được giao nhiệm vụ tìm các thông tin và bằng chứng để ủng hộ quan điểm A và cặp còn lại được giao nhiệm vụ tìm các thông tin và bằng chứng để bác bỏ quan điểm A. Sau đó, hai cặp sẽ tiếp tục đổi vai cho nhau. Và cuối cùng thì yêu cầu tất cả các nhóm đi đến những kết luận đồng thuận chung. Viêc chia nhóm thế này làm cho mỗi sinh viên tự trải niệm sự xung đột suy nghĩ, quan điểm trong chính mỗi sinh viên để từ đó chính sinh viên phải kiểm tra, đánh giá lại niềm tin và thái độ của mình về vấn đề đó.

Thảo luận trực tuyến

Ngày nay việc dùng email, group mail, thảo luận qua video online, các forum đã làm tăng cơ hội thảo luận. Việc thảo luận online còn đòi hỏi khả năng viết lách. Nó cũng giúp giảm ức chế đối với những sinh viên nhút nhát. Tuy nhiên, thảo luận online thường sinh viên cũng dễ mất kiểm soát và thô lỗ hơn. Do đó, cần thống nhất các quy tắc về thảo luận online trước. Và cần nhấn mạnh để sinh viên ý thức là đằng sau mỗi từ ngữ xuất hiện trên màn hình là một con người nên cần tôn trọng và bình tĩnh.

Tóm lại

Việc dạy thông qua thảo luận khác với dạy thông qua giảng giải bởi vì bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra khi thảo luận. Đó là một phương pháp có thể sinh mệt mỏi, lo lắng nhưng nó cũng chứa đựng những thách thức thú vị. Nó cung cấp không ngừng những thách thức, cơ hội cho bạn và sinh viên cùng học hỏi. Khi bạn có thể lắng nghe trong vài phút mà không can thiệp vào thảo luận, bạn đã dẫn dắt buổi thảo luận thành công.

Lưu ý:  Tài liệu đã được lược dịch, phỏng dịch theo cách hiểu cá nhân của người dịch cũng như thay đổi một số điểm. Tài liệu được dịch nhằm phục vụ mục đích sử dụng cá nhân của người dịch. Mọi chia sẽ, sao chép, trích dẫn tài liệu này bởi một người khác, người dịch hoàn toàn không chịu trách nhiệm về độ chính xác của thông tin cũng như yêu cầu bản quyền nguyên tác gốc.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét